Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh xăng dầu sẽ giúp quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp tăng lên, mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh, từ đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Ngày 15/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP, trong đó sửa đổi hàng loạt điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương. Đặc biệt tại Nghị định này, Chính phủ đã bãi bỏ hàng loạt điều, khoản của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Hàng loạt điều kiện về kinh doanh xăng dầu đã được bãi bỏ

    Theo đó, Chính phủ bãi bỏ quy định thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong đó có đăng ký kinh doanh xăng dầu; bãi bỏ quy định về quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu tại Điều 5. Đồng thời, không còn yêu cầu cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cơ sở kinh doanh xăng dầu khi được đầu tư mới phải có địa điểm phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, Nghị định này đã bãi bỏ 03 điều kiện đối với thương nhân xuất, nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể, không còn yêu cầu thương nhân xuất, nhập khẩu xăng dầu sau 03 năm, từ ngày được cấp Giấy phép phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu 51% đối với hệ thống kho, đủ đáp ứng tối thiểu 1/3 nhu cầu dự trữ của thương nhân; Sau 02 năm, từ ngày được cấp Giấy phép phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu 51% đối với các phương tiện vận tải xăng dầu nội địa có tổng sức chứa tối thiểu là 3.000m3; Mỗi năm, kể từ khi được cấp Giấy phép, phải sở hữu hoặc đồng sở hữu tối thiểu 4 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cho đến khi đạt tối thiểu 100 cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của thương nhân…

Trước đó, tại Quyết định 3610A/QĐ-BCT, Bộ Công Thương đã ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, trong đó đề nghị bãi bỏ 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc 16 lĩnh vực khác nhau, và kinh doanh xăng dầu là một trong những lĩnh vực được đề cập tới.

Hình ảnh minh họa

    Lâu nay, xăng dầu vẫn được coi là một trong những loại hàng hóa đặc biệt, là mặt hàng quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Thực tế cho thấy, xăng dầu là nhiên liệu không thể thiếu cho nhiều ngành sản xuất, đặc biệt cần thiết trong lĩnh vực giao thông vận tải. Thị trường xăng dầu vì thế cũng trở thành một thị trường đặc biệt của nền kinh tế.

Khi kinh tế hội nhập và phát triển, ngoài những nguồn cung cấp xăng dầu truyền thống, rất nhiều doanh nghiệp mới cũng bắt đầu tham gia vào thị trường xăng dầu, làm tăng tính cạnh tranh của thị trường trong nước. Tuy nhiên, một trong những trở ngại của các doanh nghiệp khi quyết định đầu tư đó là các giấy tờ thủ tục hành chính và các điều kiện về đầu tư kinh doanh.

Thực tế, các điều kiện kinh doanh vẫn luôn được xem là rào cản với các nhà đầu tư kinh doanh, làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường, là một trong những chướng ngại làm giảm quy mô và sức cạnh tranh trong thị trường, hạn chế những ý tưởng kinh doanh đột phá…

Do đó, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh xăng dầu sẽ giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, đồng thời tăng sức cạnh tranh góp phần tạo ra sự bình đẳng trong kinh doanh.

Khi tính cạnh tranh của thị trường xăng dầu tăng lên thì việc cung ứng xăng dầu và giá cả sẽ được cải thiện. Giá thành sản phẩm giảm, dịch vụ tốt hơn thì đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là người tiêu dùng.

Nguồn tin: luatvietnam.vn & xangdau.net

Tags: , , , , , , , , , ,

Bình luận