thiet giap my tuần tra mỏ dầu ở syria

Giới chức Mỹ sẽ không gia hạn quyết định cho một công ty dầu khí nước này hoạt động tại đông bắc Syria, vốn được cấp phép thời Trump.
Một quan chức Mỹ ngày 27/5 cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết định không gia hạn lệnh miễn trừ cho phép công ty Delta Crescent Energy được hoạt động ở đông bắc Syria theo cam kết “giữ dầu” của cựu tổng thống Donald Trump.
Bộ Tài chính Mỹ cấm hầu hết các công ty nước này kinh doanh tại Syria. Công ty Delta Crescent Energy được miễn trừ áp dụng lệnh cấm từ tháng 4/2020, vài tháng sau khi Trump tuyên bố muốn duy trì một số binh sĩ Mỹ tại khu vực giàu giàu mỏ ở đông bắc Syria để duy trì quyền kiểm soát lợi nhuận từ nguồn tài nguyên này.
“Chúng tôi ở lại và giữ dầu”, Trump nói trong cuộc họp báo hồi tháng 11/2019. “Những người khác có thể tuần tra ở biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, hãy để họ làm điều đó ở biên giới. Chúng ta không làm điều đó, chúng ta muốn đưa những binh sĩ của mình về. Nhưng chúng tôi để họ lại vì đang giữ dầu. Tôi thích dầu. Chúng ta đang giữ dầu”.
Quan chức Mỹ cho biết thông điệp “giữ dầu” thời Trump không còn là chính sách đối ngoại của chính quyền Biden. Việc triển khai quân đội Mỹ để hỗ trợ hoạt động khai thác dầu tại Syria được cho là không còn phù hợp.

Thiết giáp Mỹ tuần tra gần một mỏ dầu ở đông bắc Syria tháng 10/2019. Ảnh: AP.
Delta Crescent Energy thành lập năm 2019, các sáng lập viên gồm cựu đại sứ Mỹ tại Đan Mạch James Cain, cựu sĩ quan đặc nhiệm lục quân James Reese và cựu giám đốc điều hành Gulfsands Petroleum John Dorrier. Cựu đại sứ Cain từng làm giám đốc điều hành của đội khúc côn cầu Carolina Hurricanes và quyên góp hơn 30.000 USD cho đảng Cộng hòa trong những năm qua.
Các cơ sở khai thác tại đông bắc Syria là những gì còn lại của ngành công nghiệp dầu mỏ tại quốc gia Trung Đông sau nhiều năm chiến tranh. Đây là một trong những nguồn thu chính của chính quyền người Kurd đang kiểm soát khu vực này.
Trump nhiều lần nói về việc duy trình binh sĩ Mỹ tại Syria để bảo vệ các mỏ dầu, song các phụ tá của cựu tổng thống nhiều lần bác bỏ ý kiến cho rằng Mỹ đang cố gắng thu lợi từ nguồn dầu mỏ trong khu vực. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 8/2020 ra thông cáo cho biết chính phủ nước này “không sở hữu, kiểm soát hoặc quản lý các nguồn tài nguyên dầu mỏ ở Syria”.
Văn phòng báo chí Nhà Trắng từ chối bình luận về quyết định cùng các giấy phép cụ thể, bao gồm việc xác nhận sự tồn tại của chúng. Các quan chức Mỹ tới vùng đông bắc Syria vào tháng 5 và gặp gỡ đại diện chính quyền người Kurd, nhấn mạnh quân đội Mỹ hiện diện tại đây nhằm ngăn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 7/2020 thừa nhận chính quyền người Kurd tại đông bắc Syria đạt được thỏa thuận khai thác với một công ty dầu khí của Mỹ. Syria và đồng minh Nga lên án gay gắt quyết định của Mỹ cho phép công ty nước này lọc bán dầu khai thác tại Syria.
Bassam Tomeh, Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Syria, ngày 18/3 nói “Mỹ cùng các nhóm khủng bố Hồi giáo đồng minh đang cướp dầu mỏ” từ quốc gia Trung Đông này, cho biết Washington đang kiểm soát 90% trữ lượng dầu thô ở vùng đông bắc.
“Người Mỹ và các đồng minh của họ đang nhắm vào nguồn lợi dầu mỏ của Syria. Các đoàn xe bồn chở dầu của họ không khác gì lũ cướp cạn”, Tomeh nói.
Nguồn tin: vnExpress &xangdau.net

Tags: , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , , ,

Bình luận