Quyết định trên đã khiến giá dầu trên thế giới không tăng mà lại giảm mạnh ngay trong phiên giao dịch ngày 25/5

 

Tại cuộc họp ở Vienna ngày 25/5, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất ngoài OPEC đã đồng ý gia hạn cam kết cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày cho đến hết tháng 3/2018. Thỏa thuận ban đầu sẽ hết hạn vào tháng 6 năm nay.

Theo thỏa thuận này, các nước thành viên OPEC sẽ cắt giảm khai thác 1,2 triệu thùng/ngày, còn các nước ngoài OPEC, trong đó có Nga, cắt giảm 600.000 thùng/ngày. Việc cắt giảm theo thỏa thuận nói trên đã đẩy giá dầu lên trên 50 USD/thùng so với mức thấp kỷ lục dưới 30 USD/thùng hồi năm 2016.

Ảnh minh họa.

Quyết định trên đã khiến giá dầu trên thế giới không tăng mà lại giảm mạnh ngay trong phiên giao dịch ngày 25/5. Theo đó, tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7 đã giảm 2,46 USD xuống còn 48,9 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tại thị trường London (Anh) giao cùng thời điểm giảm 2,5 USD xuống còn 51,46 USD/thùng.

Ngân hàng Barclays của Anh nhận định, giá dầu giảm là kết quả của một số dự đoán trước cuộc họp về thời gian cắt giảm dài hơn và cắt giảm sâu hơn. Cũng theo ngân hàng này, một số nhà đầu tư trên thị trường có thể dự đoán hoặc cắt giảm sâu hơn, dài hơn, thêm nhiều nước hay một điều khác.

Ngân hàng Barclays cũng cho biết việc cắt giảm sản lượng kéo dài sẽ dẫn tới giảm tồn kho nhiên liệu toàn cầu, nhưng bổ sung rằng mục tiêu của OPEC là giảm tồn kho xuống mức trung bình 5 năm sẽ không đạt được trong khung thời gian cắt giảm sản lượng.

Bình luận