Giá dầu thô WTI (West Texas Intermediate) phiên cuối tuần ngày 24-11-2017 chạm mức 59 đô la Mỹ/thùng, chốt đóng cửa ở 58,95 đô la sau khi chạm đỉnh trong ngày 59,05 đô la, đó cũng là mức cao nhất tính từ hai năm trở lại đây.

Diễn biến giá dầu thô kỳ hạn trong mấy tháng qua.

Như vậy, chỉ còn 1 đô la nữa là giá dầu thô chạm mức dự đoán trước đây của các nhà phân tích thị trường rằng, cuối năm 2018 đạt 60 đô la/thùng. Đối với tình hình hiện nay, tăng thêm 1 đô la/thùng dầu thô WTI không có gì khó khăn vì tồn kho dầu thô ở Mỹ dự kiến trong những ngày tới giảm mạnh do nước này đang trong tháng rét đông.

Hơn nữa, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa (OPEC) và Nga đã thống nhất một thỏa thuận khung kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng đến hết năm sau 2018 dù hai bên vẫn còn một số “vấn đề” chưa giải quyết được.

OPEC và các nước xuất khẩu không thành viên của tổ chức này (non-OPEC) do Nga đứng đầu đã có kế hoạch gặp nhau trong tuần này tại Vienna (Áo) để thảo luận biện pháp giảm khai thác nhằm cắt sản lượng dầu.

Thoạt đầu, phía Nga cho rằng chưa nhất thiết phải đưa ra kế hoạch cắt giảm xa đến tận cuối năm 2018 vì kế hoạch hiện hành vẫn còn giá trị thực hiện cho đến cuối tháng 3-2018. Chính vì vậy, thái độ của Nga khá do dự cho kế hoạch mới nên thấy chưa vội thông báo các chi tiết của chương trình dự kiến giảm khai thác dầu thô cho đến 30-11-2017.

Tuy nhiên, vấn đề sâu xa không phải cứ hạn chế hút dầu thô khỏi giếng khoan là được mà phải tính toán sao cho cán cân cung cầu dầu thô của thế giới vừa thỏa mãn được nhu cầu tiêu thụ toàn cầu, ổn định tồn kho và vừa giữ được giá để bảo đảm chương trình cắt giảm khai thác dầu thành công.

Vì chạy theo giá đôi khi lợi bất cập hại, cụ thế như nếu chạm phải giá thành khai thác của công nghệ rút dầu từ đá phiến của Mỹ, thì hóa ra các nổ lực của OPEC và Nga trở thành “cô tiên” cầm chiếc đũa thần hô biến để các mỏ dầu Mỹ khai thác theo công nghệ “ép đá phiến” đang nằm im nay sống lại do trước đây phải ngừng vì chi phí khai thác cao hơn giá bán.

Giá dầu giảm nên số mỏ hoạt động để khai thác dầu thô tại Mỹ cũng giảm rõ rệt. Cụ thể, nếu như năm 2014 có 1.527 mỏ hoạt động khai thác, thì đến năm 2015 giảm hơn một nửa để rồi đến 2016 chỉ còn 408 mỏ. Tuy nhiên, nhờ giá dầu thô tăng lên lại trong năm 2017, số mỏ trong khai thác trong 3 tháng đầu năm tăng lên 590 mỏ nhưng đến hết tháng 10-2017 đã có 741 mỏ khai thác.

Những đối thủ mới

Lâu nay, giá dầu mỏ giảm một phần do Mỹ hướng vào sản xuất dầu từ ép đá phiến. Đây chính là một nhân tố mới ảnh hưởng đến giá dầu mỏ khai thác của các nước. Hiện đang có những thông tin cho rằng, giá sản xuất dầu thô theo công nghệ khai tháp ép đá phiến cũng rất cao. Tuy con số cụ thể là một bí mật do các nước áp dụng công nghệ này chỉ đưa ra con số mập mờ. Nhưng theo một số nhà phân tích ngành hàng, giá thành sản xuất mỗi thùng dầu thô “đá phiến” nằm trong khu vực 50-95 đô la/thùng, nên nhiều người ước đoán từ 65-75 đô la/thùng cho chi phí khai thác dầu thô “công nghệ” mới.

Như vậy, đối với thị trường, mức giá thành dầu thô đá phiến là mức “kháng cự” sinh tử của dầu thô truyền thống.

Hơn thế nữa, liệu những nỗ lực của các nước OPEC và đồng nghiệp không phải là thành viên (non- OPEC) sống nhờ xuất khẩu dầu thô đang cố tạo những đợt sóng giá tăng như ngọn núi lửa vụt phun mạnh trước khi tắt? Có nhiều dấu hiệu cho thấy “kỷ nguyên xăng dầu” đang nhường sân dần cho các loại năng lượng thay thế và thân thiện với môi trường hơn.

Chính phủ Na Uy vừa có kế hoạch bán cổ phiếu dầu thô cả ngàn tỉ đô la Mỹ sau khi đã giữ hàng chục năm trời. Chính nhờ khối lượng cổ phiếu ấy với giá trị khủng lồ mà Na Uy đã bảo đảm được các chương trình bảo hiểm xã hội và phúc lợi trong nước. Cần xem đây là một dấu hiệu quan trọng “chuyển mùa” giữa kỷ nguyên dầu thô và năng lượng tái tạo.

Khuynh hướng sản xuất các phương tiện chuyên chở và sản xuất chạy bằng các loại năng lượng thay thế cho xăng dầu đang có dấu hiệu phát triển nhanh. Thật ra, đến 65% sản lượng dầu thô khai thác hàng ngày của thế giới được sử dụng cho các phương tiện vận tải, vốn là nguyên nhân tạo nên khí thải và hiệu ứng nhà kính.

Không quá khó để đưa ra nhân định rằng, một khi những chiếc ô tô chạy điện, tự hành, được điều khiển bằng kỹ thuật số ra đời, thì rất có thể đấy là lời “tuyên chiến” của một thời đại mới, thời đại của năng lượng tái tạo và thay thế kỷ nguyên dầu thô.

Nguồn tin: Thesaigontimes.vn

bài viết gốc : https://www.xangdau.net/tin-tuc/thi-truong-xang-dau-the-gioi/thi-truong-dau-tho-trong-cuoc-chien-chua-phan-thang-bai-56536.html

Bình luận