Cạnh tranh trên thị trường xăng dầu Việt Nam ngày càng trở nên quyết liệt khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên đã chính thức mở cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội.
Cuộc “đua” giữa doanh nghiệp nội và ngoại trên thị trường phân phối xăng dầu đã được “châm ngòi” khi lần đầu tiên một Công ty liên doanh nước ngoài là Idemitsu Q8 (IQ8) mở cửa hàng bán xăng dầu tại khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội.
“Bánh ngon” đến lúc phải chia
Công ty liên doanh giữa Kuwait International Petroleum của Kuwait và Idemitsu Kosan của Nhật Bản là Idemitsu (IQ8) đã chính thức khai trương cửa hàng xăng dầu đầu tiên tại thị trường Việt Nam ngày 5/10 vừa qua.
Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) Cao Hoài Dương, Công ty IQ8 đã ký hợp đồng làm đại lý phân phối sản phẩm xăng dầu của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL).
Với hợp đồng này, IQ8 sẽ mua buôn xăng dầu của PVOIL và trực tiếp phân phối đến khách hàng theo giá bán lẻ quy định của liên bộ Công Thương -Tài chính.
Được biết, mặc dù Nghị định 83/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu chưa đề cập đến việc mở cửa cho thương nhân nước ngoài phân phối, bán lẻ xăng dầu nhưng IQ8 là một trong số các nhà đầu tư của dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá). Vì vậy, theo các điều khoản đầu tư của Dự án này, IQ8 được phép phân phối sản phẩm từ nhà máy lọc dầu mà Công ty đã đầu tư tại Nghi Sơn.
Tuy nhiên, với việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đảm nhiệm việc bao tiêu sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong 10 năm đầu tiên, IQ8 mà nòng cốt là Idemitsu Kosan Nhật Bản sẽ phải mua sản phẩm từ Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc hoá dầu Nghi Sơn (đơn vị hạch toán phụ thuộc của PVN).
Trong giai đoạn đầu thăm dò thị trường để tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, IQ8 được phép mua sản phẩm xăng dầu của thương nhân đầu mối tại Việt Nam như PVOIL để trực tiếp bán đến tay người tiêu dùng.
Trả lời báo chí mới đây, lãnh đạo của IQ8 cho biết, hiện ldemitsu Kosan là doanh nghiệp lớn thứ 2 trong ngành xăng dầu Nhật Bản trong khi Kuwait Petroleum International Ltd có hệ thống gần 4.800 trạm xăng dầu tại châu Âu và là một nhánh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Kuwait.
Theo lãnh đạo của IQ8, với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu tại nhiều nước trên thế giới, mục tiêu của Công ty là phát triển việc kinh doanh xăng dầu chuyên nghiệp tại thị trường Việt Nam.
Vì vậy, việc mở cửa hàng xăng dầu IQ8 tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội chỉ là bước đi đầu tiên trong kế hoạch mở rộng mạng lưới cửa hàng xăng dầu IQ8 ở khu vực phía Bắc.
Động lực để cạnh tranh lành mạnh
Với phong cách phục vụ đặc trưng Nhật Bản khi cả “sếp” IQ8 đến nhân viên bán hàng đều cúi gập chào khách vào đổ xăng, cửa hàng xăng dầu “ngoại” đầu tiên tại Hà Nội này bước đầu đã gây ấn tượng tốt về thái độ phục vụ với khách hàng Việt Nam.
Tổng giám đốc PVOIL Cao Hoài Dương cho biết, mặc dù IQ8 “đặt chân” vào thị trường nội địa sẽ tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam như PVOIL nhưng đây là xu thế mở cửa tất yếu.
Ở khía cạnh khác, việc doanh nghiệp nước ngoài có mặt tại thị trường phân phối nội địa cũng tạo động lực cạnh tranh lành mạnh buộc mỗi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh tốt hơn và hoạt động hiệu quả hơn, ông Dương nhấn mạnh.
Theo đó, cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, PVOIL đặt mục tiêu tăng thêm số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các thành phố nhỏ, khu vực nông thôn, tại các đường liên tỉnh, liên huyện và liên xã nhằm tạo thuận lợi cho người tiêu dùng mua được các sản phẩm xăng dầu đạt tiêu chuẩn chất lượng, đủ về số lượng và với giá bán quy định.
Theo ông Dương, trong kế hoạch 5 năm tới, PVOIL sẽ là phát triển mua thêm khoảng 1.000 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu sở hữu lên 1.500 cửa hàng, gấp 3 lần con số hiện nay. Đây cũng là một phần của chiến lược kinh doanh sau quá trình cổ phần hóa của công ty, dự kiến tiến hành vào cuối năm 2017 này.
Về phía doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn nhất cả nước Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo trong trả lời báo chí mới đây đã khẳng định sự chuẩn bị của Tập đoàn trước xu thế mở cửa thị trường xăng dầu trong nước.
Theo ông Bảo, Petrolimex đã triển khai chương trình quản lý EGAS trên toàn bộ hệ thống cửa hàng xăng dầu Petrolimex trong những năm qua để kết nối tự động dữ liệu từ cột bơm xăng với máy tính tại Tập đoàn, trang bị camera theo dõi bán hàng. Với hệ thống quản lý này, mọi hoạt động kinh doanh xăng dầu trong toàn hệ thống Petrolimex được minh bạch hoá và đảm bảo không có việc gian lận trong kinh doanh.
Từ đầu năm đến nay, Petrolimex cũng triển khai nhiều tiện ích phục vụ khách hàng như bản đồ các cây xăng Petrolimex trên internet, hệ thống thanh toán POS chấp nhận thẻ tín dụng của 41 ngân hàng thành viên thuộc liên minh NAPAS cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng với quy trình 5 bước phục vụ khách hàng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự thay đổi trong chính sách quản lý xăng dầu để xây dựng một thị trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh thực sự lành mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.
Theo chuyên gia Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), tiến trình thị trường hóa mặt hàng xăng dầu cần phải được đẩy nhanh hơn nữa theo hướng cạnh tranh thực sự như giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu khác. Khi đó, mỗi doanh nghiệp trên thị trường phải tính toán tiết giảm chi phí tối đa, hoàn thiện dịch vụ tốt nhất để có giá bán xăng dầu cạnh tranh nhất nhằm thu hút khách hàng.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ thì cho rằng, Nhà nước chỉ nên ban hành khung giá định kỳ để doanh nghiệp vận dụng nhằm tạo ra sự cạnh tranh bằng giá.
Hiện cả nước có khoảng 30 thương nhân đầu mối được phép nhập khẩu và cung ứng xăng dầu nhưng giá xăng dầu đến tay người tiêu dùng chưa thực sự có sự cạnh tranh đúng nghĩa, ông Ruệ chỉ rõ./.